Phải làm sao khi con quá hung hăng?

Trẻ quá hung hăng đánh bạn, đánh bố mẹ, cắn người lạ,…khiến bạn vô cùng đau đầu. Để cải thiện tính cách của bé, bạn cần phải có sự kiên nhẫn và thực hiện theo một kế hoạch cụ thể lâu dài.

Khi trẻ được 3 tuổi được xem là khoảng thời gian trẻ đã bắt đầu ý thức dần với mọi việc xung quanh. Bé 3 tuổi thường rất hiếu động và nghịch phá hơn. Tính cách lúc này bé cũng chưa được định hình cụ thể vậy nên trẻ không hề ý thức được hành động của mình. Đây còn được gọi là quá trình “khủng hoảng tuổi lên 3” của trẻ. Chịu đựng tính cách này của bé là một khó khăn mà điều càng khó hơn nữa chính là làm sao để uốn nắn được tính cách của trẻ.

Không ít ông bố bà mẹ trở nên “khiếp sợ” trước sự hung hăng của con khi con có những hành động rất thô bạo như giật tóc, cắn, cào mặt bố mẹ, đánh người khác, xô ngã bạn,…Khi bạn la con thì con lờ đi như không biết hoặc có biểu hiện bất cần, “lỳ” mặt trở lại. Đôi khi bạn tự hỏi không biết con giống ai, vì sao lại như thế?

Đó chỉ là sự thay đổi tính cách, khi qua giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3” này thì nhiều bé trở nên đằm tính trở lại, biết nghe lời hơn. Dưới đây là một số cách để bạn điều chỉnh dần tính cách cũng như cảm xúc của con:

  • Là tấm gương tốt để con nhìn học theo

Để có thể nói được con thì trước hết bạn phải làm gương sáng cho con. Độ tuổi lên 3 cũng là độ tuổi “bắt chước”, học theo người lớn rất nhanh. Bạn làm gì, nói gì con sẽ làm y như vậy. Nếu bạn không muốn con to tiếng thì trước hết bạn cũng là người không được to tiếng, quát mắng người khác và với con. Khi bạn bực bội bởi thái độ của con, bạn liền ném đồ vật vào con thì sau con cũng sẽ ném vào các bạn khác. Nghiêm khắc hoàn toàn khác với việc la lối, đe doạ bạn nhé!

Để là tấm gương sáng cho con noi theo thì mỗi một hành động, lời nói cần có sự kiềm chế nhất định, thể hiện thái độ nghiêm khắc một cách đúng mực. Sự la lối chỉ phản tác dụng, khiến con càng “lì” và “trơ” hơn thôi.

Cần phân tích cho con hiểu đâu là hành vi đúng- sai

Trẻ còn nhỏ, chưa ý thức được việc mình làm. Vậy nên khi bé có hành động sai, bên cạnh việc ngăn chặn bạn cần giải thích rõ ràng, đơn giản nhất để bé hiểu hành động của mình vì sao lại không đúng, thay vì cấm đoán con. Càng cấm bé sẽ càng làm ngược lại, đó là tâm lý của trẻ. Và cho dù trẻ không làm thì trẻ cũng không hiểu được tại sao mình lại bị cấm. Nếu con đánh, xô bạn, bố mẹ có thể liên hệ hỏi con: “Khi bố mẹ đánh con, con có thấy đau không? Nếu con đau thì bạn cũng đau như con. Vậy con có nên đánh bạn như vậy không?”,….

Đừng quên biểu lộ tình yêu với con

Nhiều bố mẹ cảm thấy không hài lòng về con. Khi không thể ngăn cản được con thì nảy sinh tâm lý chán nản. Hoặc là chịu đựng hoặc là lơ đi hành động của con. Điều này không tốt cho sự phát triển tâm lý, tình cảm của bé. Khi bé không được yêu thương, trẻ sẽ càng làm nhiều việc khác để gây sự chú ý với người lớn. Vậy nên, sau mỗi lần nhắc nhở, nghiêm khắc với con, bạn vẫn nên thể hiện tình cảm yêu thương bằng những cái ôm, cái xoa đầu ấm áp để con luôn nhận được tình thương.

Dạy con là một việc làm đòi hỏi tính kiên nhẫn cao. Bé quá hung hăng giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3” thường không hiếm nên bạn không cần qúa căng thẳng và lo lắng. Hãy áp dụng những chia sẻ ở trên vào cuộc sống hàng ngày với con!